[limg]http://www2.thanhnien.com.vn/Uploaded/tieukhuong/05_05_2008/bai9a.jpg[/limg]
Nhận cuộc gọi đến cũng có thể kiếm được tiền gọi điện thọai - Ảnh: Minh Sang
Nhá máy liên hồi, gửi một vài tin nhắn mồi chài và sau đó là những cuộc tán gẫu qua điện thoại di động kéo dài cả tiếng đồng hồ. Đó là cách kiếm tiền gọi điện thoại đang được một số "thợ câu" sử dụng.
Mồi câu
Từ khi một mạng điện thoại di động áp dụng hình thức cộng tiền vào tài khoản khi khách hàng nhận cuộc gọi đến từ các mạng điện thoại khác, Quỳnh Ngọc (trú tại xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội) - 23 tuổi, nhân viên văn phòng một công ty chuyên thiết kế mẫu quảng cáo - không tốn một đồng để mua thẻ mà vẫn thoải mái "a lô" chiều gọi đi. "Bí quyết" của cô là... nghe điện thoại từ những người quen. Ngọc kể: "Mình nói: Em không có bạn trai, cả ngày chỉ biết lấy công việc làm bạn nên rất buồn, anh có rảnh rỗi thì gọi điện nói chuyện với em thật nhiều. Thực tế thì mình cũng chưa có người yêu, nên anh nào mình cũng đối xử vậy thôi". Được biết, cứ mỗi phút người khác gọi tới cho Ngọc, tài khoản trong máy của cô lại được cộng thêm 100 đồng. Đều đặn hằng tháng, tài khoản của Ngọc được cộng thêm từ 150.000 đồng - 170.000 đồng. Riêng tháng vừa rồi Ngọc được cộng 210.000 đồng.
Không những có giọng nói oanh vàng mà M.H - sinh viên trường ĐH Đông Đô Hà Nội, còn có gương mặt rất dễ nhìn. Chính vì vậy mà quanh M.H. luôn có khá đông các "vệ tinh". Vì thế hễ H. nhá máy là các chàng gọi điện lại hỏi thăm liền. M.H vô tư khoe: "Có 6-7 anh hay gọi điện gì đó. Nhưng thích nhất vẫn là các anh đi làm rồi. Điện thoại chùa cứ gọi là xài tẹt ga. Sáng bấm máy hỏi tối qua mình ngủ ngon không, trưa lại gọi điện hỏi xem hôm nay phòng mình nấu những món gì, tới cuối giờ chiều thì hỏi em đã đi học về chưa...". M.H còn cho biết: "Ban đầu là phải có cái duyên ăn nói. Trò chuyện với mấy ông con trai sao cho thật tình cảm. Làm cho họ cứ tưởng là mình chỉ thích buôn chuyện với mỗi mình ông ấy thì càng tốt. Và phải chịu khó cập nhật số điện thoại của các chàng, thông qua những mối quan hệ như bạn bè trong lớp, cùng giảng đường...". Đó là lý do tại sao số tiền được cộng vào tài khoản trong máy của M.H không bao giờ dưới 180.000 đồng/tháng.
Ng.L, sinh viên trường ĐH Văn hóa Hà Nội nhận xét: "Một trong những chủ đề được đem ra bàn luận nhiều nhất của chị em sinh viên có lẽ là chuyện mỗi ngày họ câu được mấy chục phút nghe, hay tháng này được cộng mấy trăm nghìn đồng trong tài khoản". Thế nên từ chỗ dị ứng với việc nấu cháo điện thoại, Ng.L đã trở thành một "thợ câu" có hạng trong lớp lúc nào cũng không hay. Tháng vừa rồi cô "câu" được những 175.000 đồng trong tài khoản. Ng.L có một nguyên tắc là không thả câu người quen, mà chỉ câu những anh chàng đã ra trường, đi làm, có tiềm lực kinh tế một chút, quen biết sơ và cuộc điện đàm sẽ xoay quanh rất nhiều chủ đề.
Những chuyện ngoài mong đợi
Dân "câu" tiền nạp tài khoản điện thoại khoa Nhạc - trường CĐ Sư phạm Hà Nội hẳn còn nhớ trường hợp B.T bị người yêu tuyên bố là sẽ cắt đứt quan hệ nếu không bỏ ngay cái kiểu buôn điện thoại dài cả tiếng đồng hồ. Trước đó, B.T luôn dẫn đầu lớp với thành tích cộng tiền vào tài khoản, tháng gần đây nhất cô "câu" được 190.000 đồng. "Ban đầu thì nghĩ là đám bạn cùng lớp điện hỏi chuyện bài vở, anh ấy mặc kệ. Những lần sau thấy mình buôn lâu quá, giọng lại còn cợt nhả, anh sinh nghi, đòi xem máy, mình không cho. Thế là cãi cọ, không nhìn mặt nhau cả tháng trời, mình chẳng còn tâm chí nào mà học nữa...", B.T buồn rầu tâm sự.
Còn Ngọc.L - sinh viên Học viện Tài chính Hà Nội thì liên tục phải thay sim mới. Lý do là các chàng sau một thời gian phát hiện mình bị "câu", liền quay lại nhá máy bất kể giờ giấc. Báo hại cho ông cậu ruột của L. nhà tận Nghệ An, đưa con ra ôn thi ĐH, gọi điện để cháu ra đón thì nghe tín hiệu "thuê bao hiện không liên lạc được...". Hoảng quá, cậu của Ngọc L. đành thuê xe ôm tới cổng trường và phải ngồi uống trà đá gần hết một ngày trời mới gặp được mặt đứa cháu. Còn M.H, "dân câu" có mức cộng không dưới 180.000 đồng/tháng, thường xuyên bị bạn bè cùng phòng phản ứng vì việc nấu cháo điện thoại giữa đêm khuya làm mất giấc ngủ chung. "Nhiều đêm mình "câu" được hơn 2 tiếng đồng hồ, nhưng sáng hôm sau đi học mệt chết đi được. Ngồi trong lớp mà cứ ngủ gà ngủ gật, chẳng còn biết thầy cô giảng gì nữa", M.H. than thở.
Minh Sang
(Sưu tầm qua mạng Yahoo)